Hỏi:

Năm 1991 anh trai ruột tôi cho tôi mảnh đất 206,7 m2 ( cho bằng miệng không viết giấy ) nguồn gốc mảnh đất anh đc thanh lí gian nhà tập thể, sau đó anh xin mượn đất của hợp tác xã cho mượn năm 1984.Năm 1986 anh làm nhà. Năm 1991 anh cho tôi và đưa cho tôi giấy tờ mượn đất. Từ năm 1991 tới nay tôi vẫn ở yên ổn trên mảnh đất đó , hằng năm tôi vẫn nộp thuế cho địa phương. Năm 1999 tôi vẫn có tên trong sổ mục kê của địa phương. Nam 2011 anh đòi đất nhà bắt tôi phải trả lại mảnh đất trên.
Sau khi đưa ra tòa, tòa án sơ thẩm và phúc thẩm xử tôi phải trả toàn bộ nhà đất cho anh trai tôi.
-21 năm tôi nộp thuế tòa không hề tính đến.
-Tôi không đc công duy trì chăm sóc mảnh đất đó.
-Nhà đất chưa có sổ đỏ , tòa giải quyết tôi phải trả lại nhà đất cho anh trai tôi.
-Tòa thanh toán tiền tu sửa giá trị năm 2000 bằng giá trị tiền hiện nay.
Trả lời:
1- Theo qui định tại khoản 1 điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa chỉ xem xét giải quyết trong phạm vi đơn yêu cầu khởi kiện, vụ án này Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn phải trả QSDĐ nên Tòa chỉ xem xét giải quyết yêu cầu đó, bạn phải có đơn phản tố kèm theo chứng cứ như qui định tại điều 176 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi năm 2011 để yêu cầu Tòa buộc Nguyên đơn phải thanh toán lại tiền đóng thuế và công sức tôn tạo, bồi đắp, chăm sóc để làm tăng giá trị QSDĐ thì Tòa mới xem xét, giải quyết cho bạn. Tuy nhiên, đây vẫn là lý do chính đáng để bạn có thể khiếu nại xin kháng nghị giám đốc thẩm vì cả hai bản án chưa xem xét tới việc thanh toán lại cho bạn các khoản nêu trên.
2- Theo qui định tại khoản 1 điều 136 Luật đất đai thì tranh chấp QSDĐ mà đương sự có 1 trong các loại giấy tờ về QSDĐ như qui định tại điều 50 Luật đất đai thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Trường hợp này nếu bạn đã có tên trong sổ đăng ký ruộng đất hoặc sổ địa chính của Xã thì Tòa án thụ lý giải quyết là đúng pháp luật. Bạn chú ý là phải có tên trong sổ đăng ký ruộng đất hoặc sổ địa chính chứ không phải sổ mục kê thì mới được xem là có 1 trong các loại giấy tờ về QSDĐ. Bạn tìm hiểu lại xem mình có tên trong sổ nào, nếu là sổ mục kê thì bạn có thể khiếu nại xin kháng nghị Giám đốc thẩm theo hướng hủy cả 2 bản án sơ, phúc thẩm vì đã xét xử trái thẩm quyền, tuy nhiên việc này không có nghĩa chắc chắn là bạn sẽ được công nhận là người có QSDĐ bởi khi hai bản án bị hủy và vụ việc được UBND Quận, Huyện giải quyết thì có thể kết quả cũng giống như Tòa giải quyết. Giá trị tiền tu sửa năm 2000 cần phải tính theo thời giá tại thời điểm giải quyết thì mới công bằng, ví dụ 1 bao xi măng năm 2000 có giá 25 ngàn đồng, hiện nay có giá 100 ngàn đồng thì Tòa xử hiện nay sẽ áp dụng giá 100 ngàn/bao xi măng là hợp tình, hợp lý, bạn không nên quan tâm tới tiểu tiết này.