Tôi có một bà cô, sau khi kết hôn được một thời gian thì chồng bà cô ấy chết, hai vợ chồng không có con cái cũng không có con nuôi, không có di chúc.giấy tờ kết hôn hoàn toàn hợp pháp.

Bố mẹ của bên chồng cũng đã mất nhưng trước khi mất bố mẹ chồng có để lại cho vợ chồng bà cô tôi một phần đất.

Nhưng sau khi chồng và bố mẹ chồng bà cô tôi mất đi thì anh em trong họ hàng bên chồng không cho lấy đất, đuổi bà cô tôi ra khỏi khu đất đó.

Bà cô tôi có làm đơn kiện hơn hai năm nay nhưng chính quyền chưa có giải quyết gì.

Vậy Luật sư có thể hướng dẫn tôi cách giải quyết được không.

Mong nhận được câu trả lời sớm nhất.

Xin chân thành cảm ơn

Tôi xin sửa lại một số thông tin bên trên là:

Bà cô tôi có gửi đơn lên toàn án thành phố Phan Thiết

Tòa cũng đã gọi rất nhiều lần nhưng cũng chỉ giải quyết qua loa.

nói hai bên giảng hòa nhưng bên anh em chồng thì không chịu giảng hòa.khiến cuộc sống của bà tôi tôi hơn hai năm nay phải sống tạm bợ bên ngoài.

 

 

Trả lời: Liên quan đến vấn đề bạn hỏi, LS trả lời như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp ở trên, thì các bên tranh chấp đất đai đều không có GCNQSDĐ hay các giấy tờ được quy định tại khoản 1, 2,5 Điều 50 Luật đất đai chứng minh quyền sử dụng đất. Do đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về các cơ quan có thẩm quyền theo thủ tục hành chính chứ không phải Toà án.

Điều 135 Luật đất đai quy định, khi các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có tranh cháp. UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải trong thời gian 30 ngày làm việc, kể từ ngày UBND cấp xã nhận được đơn. Trường hợp không hòa giải được tại UBND cấp xã, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Theo Điều 136 Luật đất đai, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính gồm chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW và Bộ trưởng bộ tài nguyên và môi trường.

Như vậy, trường hợp của bà cô bạn, trước hết phải gửi đơn yêu cầu hoà giải đến UBND cấp xã. Nếu không hoà giải được, tiếp tục gửi đơn yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết. Nếu không đồng ý với cách giải quyết đó có thể khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết hoặc khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Nếu vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì tiếp tục khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ tài nguyên môi trường hoặc khởi kiện theo quy định của luật Tố tụng hành chính.

Nếu không được các cơ quan có thẩm quyền nói trên giải quyết, bà cô của bạn có thể khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo hoặc Luật Tố tụng hành chính để được bảo đảm quyền lợi.

Trân trọng!