Vấn đề mà tôi băn khoăn nhất là chuyện nếu sau này tôi ly hôn thì phần chia tài sàn nhà đất lại nảy sinh vấn đề ở chỗ : đất hiện tại tôi đang ở được mua thiếu, chưa giao đủ tiền, vì vậy chưa có giấy tờ chủ quyền đất. chỉ có giấy viết tay. Nếu ly hôn thì vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào?
 
 
Tôi lập gia đình từ năm 2003, hiện tại chúng tôi có một bé gái 7 tuổi, hai vợ chồng đều là CNVC.
 
Lý do mà tôi muốn ly hôn cũng vì bất đồng quan điểm trong cuộc sống. Mà điều này diễn ra đã 5 năm rồi. Ở tính cách của chồng tôi mà tôi không thể chấp nhận được là thiếu uy tín, thiếu uy tín trong bạn bè và làm ăn, dẫn đến đổ vỡ nợ nần nhiều lần. Biết sai nhưng không sữa và cũng không thừa nhận mình sai mà hay đổ thừa. khiến gia đình chồng tôi và cả tôi cũng khốn đốn theo anh ấy. khiến chúng tôi cứ sống trong nợ nần ngập đầu suốt từ ngày cưới đến nay, tôi đã vay mượn tiền nhiều lần từ phía gia đình, bạn bè cho anh ấy mượn mà nhiều khi anh ấy nhờ tôi mượn xong rồi phủi tay mặc tôi lo xoay sở. Vì thương anh ấy nên tôi cứ hy vọng rồi anh ấy sẽ hiểu ra nhưng rồi càng ngày càng tệ hơn. Nhất là thời gian gần đây, vì làm ăn thua lỗ nặng nên chúng tôi phải bán nhà mà cha mẹ anh ấy cho để trả nợ và mua đất khác để cất nhà. đáng buồn hơn là khi gặp khó khăn từ chuyện bán nhà, mua nhà, trả nợ cũng đều do một tay tôi xoay sở anh ấy không phải không chịu làm mà làm không được. Tôi vẫn không bận tâm điều đó, mà cố gắng làm vì gia đình. Vấn đề mà tôi băn khoăn nhất là chuyện nếu sau này tôi ly hôn thì phần chia tài sàn nhà đất lại nảy sinh vấn đề ở chỗ : đất hiện tại tôi đang ở được mua thiếu, chưa giao đủ tiền, vì vậy chưa có giấy tờ chủ quyền đất. chỉ có giấy viết tay. Nếu ly hôn thì vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào? 
Trong quá khứ, chồng tôi có hai lần dùng vũ lực với tôi. Trong hiện tại gần đây thì anh ấy không làm thế nữa mà anh ấy có hình thức khác là làm cho tôi khổ sở về tinh thần. Khi tôi bệnh hoạn anh ấy không quan tâm, khi tôi có chuyện buồn nói với anh ấy thì anh ấy bỉu môi chê trách và không muốn nghe. Và nhất là chuyện tình dục, anh ấy làm tôi rất buồn về hình thức lẫn chất lượng đôi khi còn hất hủi mỗi khi tôi gần anh ấy. Khi nào cần thì anh ấy đòi hỏi tôi như một nhu cầu, không âu yếm, không vuốt ve, nói chung không có sự dạo đầu, chỉ nhấp 10 cái là ra, ra xong là lăn ra ngủ. Tôi cứ sống trong chuyện tình dục với tình trạng hụt hẫng. Có thể nói đó là lý do lớn để tôi muốn ly hôn. 
Mặt khác, anh ấy rất chu đáo với vợ con trong chuyện ăn uống trong gia đình, anh ấy là người nội trợ chính trong gia đình vì anh ấy cầm tiền chi tiêu trong nhà, còn tiền lương của tôi thì để dành hết để trả nợ. vấn đề cũng nảy sinh bắt đầu từ đây. Chính vì dồn tiền lo trả nợ cho chồng nên tôi không còn tiền để chi tiêu sinh hoạt cho mình và bắt đầu anh ấy nghĩ tôi sống phụ thuộc vào anh ấy, tiền đi chợ hằng ngày và chi tiêu trong gia đình là do anh ấy làm thêm chứ không đụng vào lương nên anh ấy nắm giữ và quản lý hết. Khi cần tiền để chi cho việc gì đó thì tôi thật sự ngại mở miệng ra vì lúc nào anh ấy cũng khó chịu và trở nên tính toán. khi anh đi chợ anh có thể chi cà 100k không tiếc, nhưng khi đưa tiền tôi đi chợ thì anh chỉ đưa có 50k. Tôi vô sản đến nỗi không có tiền để chi phí sinh hoạt cá nhân cho riêng mình, đến cả việc mua băng vệ sinh, quần lót đều phải ngửa tay xin tiền chồng. Nghĩ mà buồn rơi nước mắt, vì anh ấy tôi hy sinh không biết bao nhiêu vậy mà giờ đây anh ấy nghĩ tôi đang sống bám vì anh ấy. Vì lòng tự trọng nên tôi cũng ít khi hỏi tới chuyện tiền bạc của anh ấy. Tôi thà đói rách còn hơn cầu xin quỳ lụy bố thí của ban ơn. Mà tôi đâu có đáng để được đối xử như vậy sau những gì tôi hy sinh cho gia đình và anh ấy.
Tôi thấy anh ấy đối xử nhạt nhẽo với tôi trong chuyện chăn gối, rồi đến một lúc anh ấy không thích tôi ngủ chung và đụng đến anh ấy nên tôi ra ngủ riêng. Suốt gần một tháng ngủ riêng tôi để xem thử anh ấy như thế nào. Nhưng điều mà tôi nhận được là anh ấy không hề tỏ thái độ muốn gần gũi hay hoà giải. Và tôi nghĩ đã có rạn nứt trong chuyện chăn gối, nhiều khi tôi nhận từ anh ấy cái nhìn dè bỉu mỗi khi anh ấy nhìn tôi thay đồ làm tôi tự ái vô cùng. Từ đó tôi không còn muốn thay đồ trước mặt chồng nữa và cũng không còn cảm giác muốn gần gũi hay ân ái. 
Tôi rất buồn và muốn mau chóng được ly hôn nhiều lần nhưng anh ấy không chịu vì lý do đứa con. anh ấy ra điều kiện nếu ly hôn thì tôi tự mà ly hôn anh ấy không ký đơn và con thì sẽ do anh ấy nuôi, nếu tôi ly hôn anh ấy sẽ bắt cóc con gái tôi đi thật xa để tôi không được gặp con. Tôi cũng đã có khuyên giải anh ấy rằng nếu ly hôn rồi thì vợ chồng vẫn có quyền chăm nom chăm sóc con. Nhưng lúc nào anh ấy cũng nghĩ tôi ảnh hưởng xấu đến con bé. Lúc nào anh ấy cũng cho tôi là người xấu xa vì tôi hay có mối quan hệ rộng, tư tưởng sống thoáng nhưng tôi là người sống chung thuỷ chưa phản bội chồng bao giờ, cũng chưa làm điều gì sai trái. 
Cứ đứng giữa lựa chọn một là sống vì con hay là sống vì hạnh phúc của riêng mình làm tôi rất đau khổ khi vẫn cứ tiếp tục sống với người mà mình không thể hòa hợp được nữa trong mọi mặt. 
Tôi muốn hỏi luật sư, vậy nếu tôi muốn ly hôn đơn phương thì mối quan tâm lớn nhất của tôi là tôi có quyền được nuôi con không nếu bé đồng ý theo tôi (do tự bé quyết định chứ tôi không ép buộc), có phải theo luật nếu ai có điều kiện kinh tế tốt hơn thì được quyền nuôi con hay ưu tiên con được ở với mẹ? Vấn đề phân chia tài sản và nợ nần thì như thế nào với tình hình hiện tại của tôi? Và nếu chồng tôi không chịu ký đơn ly hôn thì tôi phải làm như thế nào? 
Kính mong luật sư tư vấn giúp tôi để tôi sớm tìm được cách giải quyết cho chuyện của mình được tốt hơn. Chân thành cảm ơn luật sư đã bỏ thời gian để nghe tôi trình bày. Xin cảm ơn rất nhiều.
Trả lời:Thân chào chị !
Theo trình bày của chị, nếu tình trạng hôn nhân đã trở nên trầm trọng, đời sống chung của vợ chồng chị không thể tiếp tục kéo dài và mục đích của hôn nhân không đạt được, thì chị có quyền đơn phương nộp đơn khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết được ly hôn với chồng (Căn cứ theo khoản 1, điều 85; khoản 1, điều 89 và điều 91 của Luật HN&GĐ).
Đối với vấn đề con chung, vì con chị 7 tuổi do đó ai là người chứng minh được với Tòa án về khả năng tài chính và điều kiện môi trường giáo dục tốt sẽ là người đủ quyền nuôi con.
Về vấn đề tài sản: Theo khoản 3-điều 95 luật HN&GĐ thì "việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết".
 
Việc phân chia tài sản là QSDĐ do mua thiếu của người khác thì phải xác định số tiền đã trả do nhận chuyển nhượng QSDĐ là bao nhiêu và ai sẽ là người sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ với người đó, khi đó Tòa án sẽ có cơ sở giải quyết cho chị.

Căn cứ tại điều 85, 88, 89, 91 luật hôn nhân gia đình thì thủ tuc ly hôn cần trải qua các bước như sau:

- Người viết đơn ly hôn gửi đơn đến Tòa án. Đơn ly hôn phải đầy đủ các nội dung quy định và tuân thủ hình thức văn bản, kèm theo các tài liệu chứng minh đơn ly hôn và hợp pháp có căn cứ:

+ Bản sao Giấy CMND (Hộ chiếu); Hộ khẩu (có Sao y bản chính).

+ Bản chính giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải trình bày rõ trong đơn kiện.

+ Bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).

   Sau khi nhận đơn Tòa án xem xét tính pháp lý và thẩm quyền giải quyết. Nếu xét có căn cứ thì ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí gửi người viết đơn xin ly hôn.

   Người viết đơn xin ly hôn nhận thông báo tiến hành nộp tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.

      Sau đó tòa án sẽ tiến hành hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự. Nếu hòa giải không thành công thì tòa án sẽ xem xét, giải quyết việc ly hôn.

Chúc chị may mắn.

 

Tư Vấn thứ 2

Ly hôn theo yêu cầu của một bên: ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN

Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành thì Toà án xem xét, giải quyết việc ly hôn.

 

Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

2. Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác.

 

Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Toà án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên.

 

Quyền thăm nom con sau khi ly hôn 

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này.

Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Toà án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

 

Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn

1. Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.

2. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:

a) Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề  nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

3. Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

 

Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn

1. Trong trường hợp vợ, chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thoả thuận với gia đình; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

2. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia.

 

Chia quyền sử dụng đất của vợ, chồng khi ly hôn

1. Quyền sử dụng đất riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó.

2. Việc chia quyền sử dụng đất chung của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện như sau:

a) Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thoả thuận của hai bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định tại Điều 95 của Luật này.

Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng;

b) Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định tại điểm a khoản này;

c) Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo quy định tại Điều 95 của Luật này;

d) Việc chia quyền sử dụng đối với các loại đất khác được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật dân sự.

3. Trong trường hợp vợ, chồng sống chung với gia đình mà không có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình thì khi ly hôn quyền lợi của bên không có quyền sử dụng đất và không tiếp tục sống chung với gia đình được giải quyết theo quy định tại Điều 96 của Luật này.

 

Chia nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng

Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng có thể chia để sử dụng thì khi ly hôn được chia theo quy định tại Điều 95 của Luật này; nếu không thể chia được thì bên được tiếp tục sử dụng nhà ở phải thanh toán cho bên kia phần giá trị mà họ được hưởng.

 

Giải quyết quyền lợi của vợ, chồng khi ly hôn trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của một bên

Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của một bên đã được đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn, nhà ở đó vẫn thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà, nhưng phải thanh toán cho bên kia một phần giá trị nhà, căn cứ vào công sức bảo dưỡng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa nhà.