Luật Thương mại | tư vấn luật thương mại
Hòa giải là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua sự tham gia của bên thứ ba, đóng vai trò trung gian để hỗ trợ hoặc thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm chấm dứt xung đột hoặc bất hòa... Bên trung gian đóng vai trò hỗ trợ đôi bên đi đến giải pháp có lợi nhất cho đôi bên, có khi bên trung gian hòa giải thuyết phục đôi bên chấp nhận giải pháp do họ đề ra, chấm dứt xung đột.
Bên trung gian hòa giải có thể là cá nhân, là tổ chức, là cơ quan. Đây là hòa giải ngoài tố tụng nên pháp luật cũng không khẳng định cá nhân nào, tổ chức nào, cơ quan nào được làm trung gian hòa giải, mà đây là sự thống nhất đôi bên tranh chấp lựa chọn trung gian hòa giải.
Cũng như thương lượng, hòa giải là giải pháp tự nguyện, tùy thuộc vào sự lựa chọn của các bên tham gia tranh chấp. Tuy nhiên, thương lượng là hình thức tự hòa giải còn hòa giải là hình thức có sự tham gia của người thứ ba vào quá trình giải quyết. Đây là điểm khác biệt quan trọng nhất giữa hai hình thức giải quyết tranh chấp này. Dù vậy, sự giống nhau của hai giai đoạn này là cách thức giải quyết tranh chấp là do chính đôi bên thống nhất ý chí, người thứ ba có mặt là để hỗ trợ, để phân tích, để đối chiếu cho đôi bên hiểu rõ. Về mặt nguyên tắc, bên thứ ba đứng làm trung gian hòa giải không có quyền quyết định mà chỉ sử dụng kỹ năng và áp dụng các biện pháp mang tính kỹ thuật để giúp các bên đạt được giải pháp trung hòa, còn giải pháp có đạt được hay không vẫn là sự tự định đoạt của đôi bên.
Ưu điểm và khuyết điểm của hình thức “hòa giải” giống như hình thức thương lượng. Đây là hình thức giải quyết tranh chấp rất có hiệu quả, được giới kinh doanh ưa chuộng, giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp thương mại ở các quốc gia khác.
Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có những văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề này như vai trò, trách nhiệm của người trung gian hòa giải, thủ tục, hình thức hòa giải, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, hiệu lực của thỏa thuận khi hòa giải... chính vì thiếu những cơ sở pháp lý của hình thức này, nên trung gian hòa giải trong giải quyết tranh chấp thương mại vẫn còn tùy thuộc lớn vào thiện chí đôi bên tranh chấp. Và thực tế cho thấy, kết quả hòa giải chủ yếu phụ thuộc vào hai yếu tố:
+ Thiện chí giữa các bên tham gia tranh chấp, nhằm mềm hóa các xung đột với mong muốn tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác, làm ăn lâu dài.
+ Uy tín, kinh nghiệm và kỹ năng của người đứng ra làm trung gian hòa giải.