Trong quá trình hoạt động thương mại, việc tranh chấp giữa các chủ thể kinh doanh là điều không tránh khỏi. Vậy hiểu thế nào là tranh chấp thương mại.

Trong nền kinh tế kế hoạch hóa, khái niệm được sử dụng là tranh chấp kinh tế. Theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế ngày 16/3/1994 và Nghị định 116 ngày 05/09/1994 đã liệt kê các tranh chấp kinh tế thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án kinh tế và trọng tài kinh tế. Theo đó, những tranh chấp kinh tế bao gồm:

-         Tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa pháp nhân và pháp nhân, giữa pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh;

-         Tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty.

-         Tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu;

-         Tranh chấp khác theo quy định của pháp luật.

Song song tồn tại với khái niệm tranh chấp kinh tế là khái niệm tranh chấp thương mại được ghi nhận trong Luật thương mại ngày 10/05/1997. Tranh chấp thương mại là tranh chấp phát sinh do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên, Hoạt động thương mại theo Luật Thương Mại năm 1997 có nội hàm hẹp,chỉ bao gồm mười bốn hành vi thương mại[1].

Pháp lệnh trọng tài thương mại ngày 25/2/2003 không đưa ra khái niệm tranh chấp thương mại nhưng đã đưa ra khái niệm hoạt động thương mại Theo đó, hoạt động thương mại được hiểu theo nghĩa rộng, tương thích với khái niệm về thương mại theo chuẩn mực chung của quốc tế. Hoạt động thương mại là việc thực hiện một hay nhiều hành vi thương mại của cá nhân, tổ chức kinh doanh bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, phân phối, đại diện, đại lý thương mại, ký gởi, thuê, cho thuê, thuê mua, xây dựng, tư vấn , kỹ thuật, li- xăng, đầu tư, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thăm dò, khai thác, vận chuyển hàng hóa hành khách bằng đường hàng không, đường biển, đường sắt, đường bộ và các hành vi thương mại khác theo quy định của pháp luật[2].

Theo Luật Thương mại 2005, hoạt động thương là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác[3].

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định về tranh chấp kinh doanh thương mại với các nội dung liệt kê thì tranh chấp về kinh doanh thương mại thực chấp là tranh chấp về thương mại.[4]

Tóm lại, tranh chấp thương mại được hiểu là những bất đồng, mâu thuẫn, xung đột lợi ích về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia vào quá trình hoạt động thương mại.



[1] Xem Điều 45 Luật Thương Mại 1997.

[2] Xem Điều 3 Khoản 2 Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003.

[3] Xem Điều 3 Khoản 1 Luật Thương Mại 2005.

[4] Xem Điều 29 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2004.

lienhe