Luật Thương mại | tư vấn luật thương mại
1. Tổ chức lại hợp tác xã:
Mục đích của việc tổ chức lại hợp tác xã là tạo ra một quy mô hợp lý nhất cho sự ổn định và phát triển của hợp tác xã, bảo đảm đạt được năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
Việc tổ chức lại hợp tác xã có thể được thực hiện theo hướng hợp nhất nhiều hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã lớn hơn hoặc chia tách một hợp tác xã lớn thành những hợp tác xã nhỏ hơn. Đại hội xã viên là cơ quan duy nhất có quyền quyết định việc sáp nhập hoặc chia tách hợp tác xã.
Điều 40 và 41 Luật Hợp tác xã đã quy định cụ thể về thủ tục sáp nhập hoặc chia tách hợp tác xã.
2. Giải thể hợp tác xã:Đối với việc giải thể hợp tác xã, Luật Hợp tác xã có những quy định pháp lý về hai loại giải thể, là giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc.
a. Giải thể tự nguyện:
Nếu đại hội xã viên ra nghị quyết về việc tự nguyện giải thể hợp tác xã, thì hợp tác xã phải gởi đơn xin giải thể và nghị quyết của đại hội xã viên đến cơ quan đăng ký kinh doanh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hợp tác xã, đồng thời đăng báo địa phương nơi hợp tác xã hoạt động trong ba số liên tiếp về việc xin giải thể và thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng.
Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn thanh toán nợ và thanh lý các hợp đồng, cơ quan đăng ký kinh doanh nhận đơn phải ra thông báo chấp thuận hoặc không chấp thuận việc xin giải thể của hợp tác xã.
Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được thông báo chấp thuận việc xin giải thể của cơ quan đăng ký kinh doanh, hợp tác xã phải xử lý vốn, tài sản theo quy định tại Điều 36 của Luật Hợp tác xã, thanh toán các khoản chi phí cho việc giải thể, trả vốn góp và giải quyết các quyền lợi cho xã viên theo quy định của Điều lệ hợp tác xã;
b. Giải thể bắt buộc:
Uỷ ban nhân dân nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quyền quyết định buộc giải thể đối với hợp tác xã khi có một trong các trường hợp sau đây:
a) Sau thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà hợp tác xã không tiến hành hoạt động;
b) Hợp tác xã ngừng hoạt động trong mười hai tháng liền;
c) Trong thời hạn mười tám tháng liền, hợp tác xã không tổ chức được Đại hội xã viên thường kỳ mà không có lý do chính đáng;
d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật;
Thủ tục thực hiện việc giải thể bắt buộc được tiến hành như sau:
- Ủy ban nhân dân ra quyết định giải thể lập Hội đồng giải thể và chỉ định Chủ tịch Hội đồng để tổ chức việc giải thể hợp tác xã.
- Hội đồng giải thể hợp tác xã phải đăng báo địa phương nơi hợp tác xã hoạt động trong ba số liên tiếp về quyết định giải thể hợp tác xã; thông báo trình tự, thủ tục, thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng, xử lý vốn, tài sản theo quy định, trả vốn góp và giải quyết các quyền lợi khác có liên quan của xã viên theo quy định của Điều lệ hợp tác xã.
Thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng tối đa là một trăm tám mươi ngày, kể từ ngày đăng báo lần thứ nhất;
Kể từ ngày hợp tác xã nhận được thông báo giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và xoá tên hợp tác xã trong sổ đăng ký kinh doanh; hợp tác xã phải nộp ngay con dấu cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Trong trường hợp không đồng ý với quyết định của Ủy ban nhân dân về việc giải thể hợp tác xã thì hợp tác xã có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
3. Phá sản hợp tác xã:
Trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, các hợp tác xã bình đẳng trước pháp luật với các loại hình doanh nghiệp khác. Do đó, nếu các hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản đối với các hợp tác xã cũng được thực hiện theo luật phá sản 2003 và những văn bản pháp luật có liên quan.
Tin cùng chủ đề
Tin mới
Các tin khác
- Tài sản của hợp tác xã - xem 815 lần
- TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ TRONG HỢP TÁC XÃ - xem 2526 lần
- CÁC QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA HỢP TÁC XÃ - xem 915 lần
- THỦ TỤC THÀNH LẬP VÀ ĐĂNG KÝ KINH DOANH CỦA HỢP TÁC XÃ - xem 437 lần
- Điều kiện để trở thành xã viên hợp tác xã - xem 1414 lần
- KHÁI QUÁT VỀ HỢP TÁC XÃ - xem 3053 lần