Luật Thương mại | tư vấn luật thương mại
1. Khái niệm và đặc điểm:
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp (Điều 130), Công ty hợp danh có những đặc điểm sau:
- Phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh); ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn;
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
- Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty;
- Công ty hợp danh không được quyền phát hành bất kỳ loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) nào.
Như vậy, theo quy định, có hai loại công ty hợp danh là: Công ty hợp danh có tất cả thành viên đều là thành viên hợp danh và Công ty hợp danh có cả thành viên hợp danh và thành viên góp vốn.
2. Thành viên công ty hợp danh:
* Thành viên hợp danh:
Theo quy định tại điều 130 Luật Doanh nghiệp thì thành viên hợp danh phải là cá nhân. Ngoại trừ các cá nhân bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp, các cá nhân còn lại đều có thể trở thành thành viên hợp danh.
Thành viên hợp danh được xác định là người quản lý doanh nghiệp (điều 4 khoản 13 Luật Doanh nghiệp) do đó trong công ty hợp danh, việc quản lý công ty hợp danh thuộc về thành viên hợp danh.
* Thành viên góp vốn:
Công ty hợp danh có thể có thành viên góp vốn và thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty nên thành viên góp vốn có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Mặc dù là thành viên của công ty hợp danh (loại công ty đối nhân) nhưng thành viên góp vốn được hưởng chế độ trách nhiệm như một thành viên của công ty đối vốn (trách nhiệm hữu hạn). Chính lý do này mà thành viên góp vốn có những quyền và nghĩa vụ khác biệt: được hưởng chế độ trách nhiệm hữu hạn, nhưng đồng thời lại bị hạn chế các quyền về quản lý công ty.
3. Tổ chức, quản lý và điều hành kinh doanh của công ty hợp danh:
Việc tổ chức quản lý công ty hợp danh được đặt dưới sự quản lý của Hội đồng thành viên, Thành viên hợp danh và giám đốc hoặc tổng giám đốc công ty.
- Tất cả thành viên hợp lại thành Hội đồng thành viên. Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty.
Khi một số hoặc tất cả thành viên hợp danh cùng thực hiện một số công việc kinh doanh thì quyết định được thông qua theo nguyên tắc đa số.
Hoạt động do thành viên hợp danh thực hiện ngoài phạm vi hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký của công ty đều không thuộc trách nhiệm của công ty, trừ trường hợp hoạt động đó đã được các thành viên còn lại chấp thuận.
V. DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN
1. Khái niệm và đặc điểm:
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp (Điều 141) doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Theo định nghĩa này thì doanh nghiệp tư nhân có các đặc điểm cơ bản sau:
- Doanh nghiệp tư nhân là một đơn vị kinh doanh;
- Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
2. Các vấn đề về vốn và tài chính:
- Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. - Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp tư nhân:
a. Quản lý doanh nghiệp tư nhân:
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
b. Cho thuê doanh nghiệp:
Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp của mình nhưng phải báo cáo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế. Trong thời hạn cho thuê, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp. Quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu và người thuê đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được quy định trong hợp đồng cho thuê.
c. Bán doanh nghiệp tư nhân:
Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp của mình cho người khác. Chậm nhất mười lăm ngày trước ngày chuyển giao doanh nghiệp cho người mua, chủ doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Thông báo phải nêu rõ tên, trụ sở của doanh nghiệp; tên, địa chỉ của người mua; tổng số nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp; tên, địa chỉ, số nợ và thời hạn thanh toán cho từng chủ nợ; hợp đồng lao động và các hợp đồng khác đã ký mà chưa thực hiện xong và cách thức giải quyết các hợp đồng đó.
Sau khi bán doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về tất cả các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác mà doanh nghiệp chưa thực hiện, trừ trường hợp người mua, người bán và chủ nợ của doanh nghiệp có thỏa thuận khác.
- Người bán, người mua doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động.
- Người mua doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh lại theo quy định của Luật Doanh nghiệp.