Cơ sở để hình thành công ty là sự cam kết góp vốn vào công ty để cùng kinh doanh sinh lợi. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu công ty hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Tài sản của công ty được hình thành từ sự đóng góp của các thành viên. Khi góp vốn thành lập công ty, những người tham gia góp vốn có được quyền tham gia quản lý công ty và quyền được phân chia lợi nhuận của công ty.

Theo Luật Doanh nghiệp thì những tài sản có thể góp vốn vào công ty có thể là:

- Tiền mặt: tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng.

- Tài sản bằng hiện vật: máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công trình xây dựng, nguyên nhiên vật liệu.

- Giá trị quyền tài sản: giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật.

- Các tài sản khác theo thỏa thuận. Các tài sản này có thể là năng lực kinh doanh, năng lực quản lý, uy tín trên thương trường, hệ thống khách hàng...Những loại tài sản vô hình này cũng có thể được mang góp vốn vào công ty nếu được điều lệ công ty quy định.

Khi góp vốn, số vốn do thành viên góp và ghi vào điều lệ Công ty gọi là Phần vốn góp.

Khi thành viên đã ghi phần vốn góp vào vốn điều lệ Công ty thì về mặt pháp lý, coi như các thành viên đã góp đủ vốn, Công ty có tài sản với giá trị bằng vốn điều lệ. Chủ nợ có quyền tối thiểu đòi công ty thanh toán cho đến mức bằng giá trị thực của vốn điều lệ. Còn thời điểm góp vốn là “công việc nội bộ” giữa các thành viên và các thành viên đối với công ty. Công ty có thể yêu cầu thành viên thực hiện góp vốn theo tiến độ kế hoạch kinh doanh của công ty. Giả sử xảy ra trường hợp công ty có thành viên chưa nộp đủ vốn góp, không thanh toán đủ nợ đến hạn thì chủ nợ cứ đòi nợ với công ty, còn công ty yêu cầu thành viên đó góp đủ vốn để thanh toán nợ. Tóm lại, ở đây cần tách bạch hai mối quan hệ trong xem xét vốn điều lệ. Đối với chủ nợ, vốn đó coi như đã góp, còn đối với thành viên thì vốn đó có thể mới chỉ là cam kết góp.

lienhe