Hỏi: Tôi muốn làm đơn yêu cầu tòa án tuyên bố 1 người đã chế thì phải viết đơn như thế nào?

Văn phòng luật sư Tô Đình Huy trả lời:

Theo quy định tại Điều 78 và Điều 81 Bộ luật Dân sự, việc tuyên bố một người mất tích hoặc đã chết được tiến hành như sau:

- Khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn hai năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó. Nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng. Trong trường hợp, không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

-Theo quy định tại Điều 81 Bộ luật Dân sự: Tuyên bố một người là đã chết

 

1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong các trường hợp sau đây:

a) Sau ba năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Toà án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

b) Biệt tích trong chiến tranh sau năm năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau một năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

d) Biệt tích năm năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Bộ luật này.

2. Tuỳ từng trường hợp, Toà án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này. 

 

Đơn yêu cầu tòa án tuyên bố một người là đã chết phải có đầy đủ các nội dung theo quy định tại Khoản 2 Điều 312 Bộ luật tố tụng Dân sự, gồm:

 

a) Ngày, tháng, năm viết đơn;

b) Tên Toà án có thẩm quyền giải quyết đơn;

c) Tên, địa chỉ của người yêu cầu;

d) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự đó;

đ) Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết đơn yêu cầu, nếu có;

e) Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu;

g) Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.

 

Gửi kèm theo đơn yêu cầu là chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết thuộc trường hợp theo quy định của pháp luật Dân sự.

Để được tư vấn cụ thể hơn mời bạn liên hệ trực tiếp với chúng tôi.



Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết

Click:: Liên hệ tư vấn tại Hà Nội , khu vực Miền Bắc 

Click:: Liên hệ tư vấn tại TP Hồ Chí Minh, khu vực miền nam

Liên hệ luật sư