Tư vấn luật dân sự \| luật sư dân sự
- Chi tiết
- Chuyên mục: Luật dân sự
- Được đăng: 09 Tháng 4 2012
- Lượt xem: 406
Có trường hợp người có nghĩa vụ có các quyền về tài sản, nhưng lại không muốn thực hiện các quyền ấy, bởi vì người này biết rằng nếu mình có làm gì đi nữa, thì các lợi ích tài sản được tạo ra cũng sẽ phải được dùng để thực hiện các nghĩa vụ đối với những người có quyền yêu cầu của mình. Thái độ xử sự tiêu cực của người có nghĩa vụ có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng thực hiện nghĩa vụ của người này một khi nghĩa vụ đến hạn. Để ngăn ngừa ảnh hưởng đó, luật cho phép người có quyền yêu cầu thay người có nghĩa vụ để thực hiện các quyền của người sau này. Quyền kiện để yêu cầu Toà án cho phép thay thế người có nghĩa vụ trong việc thực hiện các quyền của người này được gọi là quyền khởi kiện chéo. Gọi là “chéo”, bởi người trực tiếp thực hiện quyền không phải là người trực tiếp có quyền mà chỉ là người có quyền của người đó.
Luật Việt Nam hiện hành không có quy định chung về quyền khởi kiện chéo mà chỉ có các quy định cụ thể áp dụng cho một số trường hợp đặc thù mà người có quyền yêu cầu được phép thay người có nghĩa vụ thực hiện một hoặc một số quyền nhất định của người sau này[7].
Theo Ðiều 238 khoản 2, khi có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung (theo phần) thực hiện nghĩa vụ thanh toán, thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Có thể rút ra từ điều luật đó các quy tắc liên quan đến điều kiện thực hiện quyền khởi kiện chéo của người có quyền yêu cầu và hiệu lực của việc thực hiện quyền này, những quy tắc có thể được áp dụng cho các trường hợp khác theo nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật.
Điều kiện. Trong trường hợp nêu trên, người có nghĩa vụ không thực hiện một hành vi cần thiết nhằm củng cố khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người có quyền (yêu cầu chia tài sản mà mình có quyền sở hữu chung theo phần). Về phần mình, người có quyền có lợi ích trong việc bảo vệ quyền của mình khi can thiệp vào công việc của người có nghĩa vụ. Ðiều đó cũng có nghĩa rằng nếu người có nghĩa vụ đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ, thì người có quyền không được phép can thiệp vào những công việc đó: sẽ rất vô lý việc chủ nợ phản đối người mắc nợ từ chối yêu cầu chia ngay một khối tài sản chung trong khi người mắc nợ hoàn toàn đủ sức trả nợ bằng tài sản sẵn có, thậm chí sẵn sàng để được kê biên.
Mặt khác, có thể thấy rằng quyền yêu cầu chia tài sản chung là một quyền bình thường, có thể chuyển giao cho người khác cùng với việc chuyển nhượng phần quyền của đương sự trong khối tài sản chung. Trong một giả thiết khác, ta có một người mắc nợ có quyền yêu cầu cấp dưỡng đối với một người khác, nhưng lại không chịu thực hiện quyền đó; khó có thể hình dung được rằng chủ nợ của người này có thể được pháp luật thừa nhận có quyền thay người này thực hiện quyền yêu cầu cấp dưỡng đó.
Quyền của người có nghĩa vụ phải là quyền mà việc thực hiện có tác dụng bảo toàn hoặc củng cố khối tài sản có của người có nghĩa vụ. Người có quyền yêu cầu của một người cho thuê nhà không thể thay người có nghĩa vụ để lựa chọn giữa buộc người thuê nhà trả tiền thuê và trục xuất người thuê ra khỏi nhà thuê. Điều chắc chắn: người có quyền không thể yêu cầu cho phép mình thay thế người có nghĩa vụ để thực hiện các giao dịch mang tính vật chất thuần tuý mà người sau này có quyền thực hiện. Ví dụ, chủ nợ không có quyền yêu cầu cho phép mình thay thế người mắc nợ để tiến hành tu bổ căn nhà của người sau này hoặc chăm sóc vườn cây của người sau này, với lý do: nếu nhà không được tu bổ, cây trồng không được chăm sóc thì sẽ người mắc nợ sẽ không có tài sản nào có giá trị đủ để bảo đảm việc trả nợ.
Cần nhấn mạnh rằng người có quyền chỉ có thể yêu cầu cho phép mình thực hiện các quyền của người có nghĩa vụ chứ không phải các quyền của mình. Bởi vậy, người có quyền không thể được ưu đãi hơn người có nghĩa vụ khi thực hiện các quyền đó. Giả sử khối tài sản chung chưa thể được phân chia do trước đây có thoả thuận giữa các chủ sở hữu chung về việc duy trì tình trạng sở hữu chung theo phần trong một thời hạn, thì người có quyền yêu cầu chỉ có quyền thay người có nghĩa vụ của mình để yêu cầu phân chia tài sản chung khi hết thời hạn đó.
Cuối cùng, người có quyền yêu cầu chỉ được phép yêu cầu cho phép mình thay người có nghĩa vụ thực hiện quyền của người sau này trong trường hợp người sau này không chịu thực hiện quyền của mình. Nếu người có nghĩa vụ tự mình thực hiện quyền của mình, thì không có lý do gì để người có quyền thay thế người này trong việc thực hiện quyền đó. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người có nghĩa vụ thực hiện quyền của mình một cách tuỳ tiện, thậm chí với ý thức làm suy giảm năng lực thanh toán của mình. Trong trường hợp đó, người có quyền yêu cầu có thể thực hiện một biện pháp khác để bảo vệ quyền lợi của mình, như sẽ được phân tích dưới đây.
Riêng đối với người có quyền yêu cầu, có vẻ như người làm luật muốn rằng quyền yêu cầu của người này phải đến hạn thực hiện: người có quyền yêu cầu sẽ tham gia vào việc phân chia để “nhận tiền thanh toán”, nghĩa là để được trả nợ. Người chỉ có các quyền yêu cầu có điều kiện hoặc các quyền yêu cầu chưa đến hạn thực hiện không có quyền khởi kiện chéo.
Hiệu lực. Một khi được thừa nhận có quyền thay người có nghĩa vụ để thực hiện các quyền của người sau này, thì người có quyền sẽ đứng vào vị trí của người có nghĩa vụ để thực hiện các quyền của người sau này. Chủ nợ của một chủ sở hữu chung, khi yêu cầu phân chia tài sản chung, được quyền tham dự vào việc phân chia.
Cần lưu ý rằng quyền khởi kiện được thừa nhận cho người có quyền trong những trường hợp trên chỉ có tác dụng vô hiệu hóa hành vi của người có nghĩa vụ chứ không đem lại cho người có quyền bất kỳ một quyền ưu tiên nào đối với tài sản sẽ được đưa vào sản nghiệp của người có nghĩa vụ sau khi hành vi của người có nghĩa vụ bị vô hiệu hóa: phần tài sản được chia sẻ thuộc về khối tài sản thuộc sở hữu của người mắc nợ và được dùng để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ của người này theo luật chung. Chính là theo nghĩa đó mà ta hiểu cụm từ “nhận tiền thanh toán” được ghi nhận tại khoản 2 Ðiều 238 BLDS. Có thể hình dung: chủ nợ A tham gia vào việc phân chia tài sản chung của người mắc nợ; chia xong, một số tài sản rơi vào khối sản nghiệp của người mắc nợ và ngay lập tức các chủ nợ khác ập đến yêu cầu được phép thực hiện quyền đòi nợ của mình trên các tài sản ấy. Chủ nợ A trong trường hợp này phải chấp nhận chia sẻ cơ may thu hồi nợ với các chủ nợ khác.