Những người có nghĩa vụ phải liên đới thực hiện nghĩa vụ. Khi có nhiều người cùng liên đới chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ, thì người có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ (Ðiều 304 khoản 1). Ta nói rằng đối với người có quyền yêu cầu, thì giữa những người có nghĩa vụ liên đới không có sự phân chia nghĩa vụ.

nguồn gốc của nghĩa vụ liên đới. Nghĩa vụ liên đới có thể được xác lập theo thoả thuận giữa các bên liên quan hoặc theo quy định của pháp luật, như đã nói ở trên. Thực ra, nghĩa vụ liên đới còn có thể phát sinh theo ý chí đơn phương, như trong trường hợp một người lập di chúc quyết định rằng những người thừa kế phải liên đới trong việc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng một người nào đó.

 

Người làm luật chủ động thiết lập tình trạng liên đới giữa những người có nghĩa vụ trong một số trường hợp đặc thù. Ý nghĩa của sự liên đới pháp định có thể rất khác nhau, tuỳ theo đặc điểm của căn cứ xác lập nghĩa vụ.

 

Có trường hợp tình trạng liên đới được thiết lập theo luật như một cách mà người làm luật suy đoán ý chí đích thực của những người có nghĩa vụ. Ví dụ, khi nhiều người cùng bảo lãnh cho một người thực hiện một nghĩa vụ, thì giữa những người bảo lãnh có sự liên đới trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (BLDS Điều 369). Thông thường, sự suy đoán của người làm luật không mang tính áp đặt tuyệt đối: các bên có thể loại bỏ sự suy đoán về tình trạng liên đới bằng các thoả thuận ngược lại.

 

Có trường hợp tình trạng liên đới được thiết lập theo luật như một biện pháp chế tài đối với những người cùng “chung sức” gây thiệt hại cho một người khác. Theo BLDS Điều 620, trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại, thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại.

 

Cơ sở hiện thực của tình trạng liên đới. Học thuyết pháp lý phương Tây nói rằng tình trạng liên đới giữa những người có nghĩa vụ được giải thích bằng nghĩa vụ đại diện của người có nghĩa vụ liên đới cho tất cả những người có nghĩa vụ liên đới. Gọi là “nghĩa vụ”, bởi vì người có nghĩa vụ liên đới không thể tuỳ ý từ bỏ vai trò đại diện của mình, như một người được uỷ quyền theo thoả thuận từ bỏ việc uỷ quyền. Do mỗi người có nghĩa vụ liên đới đại diện cho tất cả những người có nghĩa vụ mà tất cả các giao dịch tác động đến một người có nghĩa vụ hoặc do một người có nghĩa vụ xác lập sẽ phát sinh hiệu lực đối với tất cả những người có nghĩa vụ.

 

Hiệu lực của tình trạng liên đới. Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới, thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác thanh toán phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình (Ðiều 304 khoản 3). Nhắc lại rằng người có nghĩa vụ liên đới chỉ phải thực hiện “phần nghĩa vụ liên đới của mình” đối với người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ: giữa những người có nghĩa vụ liên đới, quan hệ nghĩa vụ lại mang tính chất theo phần riêng rẽ, mỗi người có nghĩa vụ liên đới chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình đối với người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Ta nói rằng người có nghĩa vụ liên đới có trách nhiệm đóng góp phần của mình vào việc thực hiện nghĩa vụ. Nhưng nếu một trong số những người có nghĩa vụ liên đới mất khả năng thanh toán, thì người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ mất khả năng thu nhận phần đóng góp thực hiện nghĩa vụ của người đó ? Nên nghĩ rằng trong trường hợp này, sự tổn thất phải được chia sẻ giữa những người có nghĩa vụ còn khả năng thanh toán (kể cả người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ)[3], dù luật viết không có quy định rõ ràng ở điểm này.

 

Trong trường hợp người có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó, thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ (Ðiều 304 khoản 4).

Bãi bỏ tình trạng liên đới. Người có quyền có thể bãi bỏ tình trạng liên đới cho những người có nghĩa vụ liên đới. Khi đó, những người có cùng nghĩa vụ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ riêng rẽ và nếu, sau khi đã bãi bỏ tình trạng liên đới, người có quyền miễn cho một người có nghĩa vụ thực hiện phần nghĩa vụ của người sau này, thì những người còn lại vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ (đã được riêng rẽ hóa) của họ (Ðiều 304 khoản 5).

click liên hệ luật sư.

lienhe